Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

10 sự kiện công nghệ thông tin nổi bật nhất 2009

Sáng 29/12/2009, Câu lạc bộ các nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam đã chính thức bình chọn và công bố 10 sự kiện công nghệ nổi bật nhất 2009.Đây là hoạt động thường niên lần thứ 8 được Vietnam ICT Press Club tiến hành nhằm điểm lại những hoạt động, sự kiện nổi bật và tiêu biểu trong lĩnh vực CNTT-TT của Việt Nam trong năm qua. Tiêu chí đề các nhà báo đánh giá 10 sự kiện công nghệ tiêu biểu nhất với 18 sự kiện nối bật được đề cử dựa trên những sự kiện có sức lan tỏa, ảnh hưởng về mặt truyền thông đến cộng đồng nhiều nhất. Dưới đây là 10 sự kiện Công nghệ thông tin tiêu biểu nhất được bình chọn:

10. Khai trương tuyến cáp quang biển Liên Á Vào ngày 6/11 vừa qua, EVNTelecom đã tổ chức khai trương Hệ thống cáp quang biển Liên Á (IACS) và là công ty viễn thông thứ hai ở Việt Nam có hệ thống cáp quang biển. IACS có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84Tbps, với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD và cung cấp dung lượng đầu cuối ban đầu là 320 Gbps. Tuyến cáp cáp quang này kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản với tổng chiều dài 6.800km.

9. Viettel tố MobiFone cạnh tranh không lành mạnh Nhà khai thác di động Viettel Telecom vừa qua đã có đơn "tố" MobiFone vi phạm Luật Cạnh tranh khi trưng các biển quảng cáo so sánh giá cước giữa hai mạng di động. Chưa kể MobiFone còn thu hút khách hàng của Viettel bằng chương trình dùng thử dịch vụ.Trong công văn khẩn gửi Cục Quản lý Cạnh tranh và Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông chiều nay, Viettel Telecom cho hay thời gian qua, tại một số tỉnh như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long… xuất hiện các poster, in màu, quảng cáo giá cước dịch vụ mới của công ty Thông tin di động VMS (MobiFone). Trên áp-phích có nội dung so sánh trực tiếp giá cước dịch vụ của MobiFone so với giá cước dịch vụ của Viettel Telecom. Ngoài các vi phạm liên quan đến quảng cáo so sánh, MobiFone còn bị tố chơi không đẹp khi dụ dỗ khách hàng của Viettel Telecom chuyển sang sử dụng dịch vụ của mình.

8. Lần đầu tiên đặt mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin-truyền thông Dự thảo “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin-truyền thông” do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đã lần đầu đặt mục tiêu Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin trên thế giới. Với mục tiêu xây dựng đề án là xác định rõ phạm vi nghiên cứu trong từng lĩnh vực của ngành CNTT, từ đó đề ra mục tiêu tăng tốc với các định hướng, giải pháp, chương trình, dự án, mức kinh phí đầu tư với lộ trình cụ thể. Đề án được xây dựng sẽ giải quyết vấn đề về nhận thức, có sự kế thừa tất cả những đề án, quy hoạch về CNTT- truyền thông đã có trước đây song cũng có quyết tâm cao hơn, thể hiện sự tăng tốc, đột phá có trọng tâm, trọng điểm.Hai mốc thời gian mà đề án đưa ra trong quá trình thực hiện tăng tốc là năm 2015 và 2020. Mục tiêu lớn nhất mà đề án đưa ra đó là vào năm 2015, Việt Nam sẽ phải đứng trong số 70 nước phát triển CNTT và Truyền thông hàng đầu thế giới.

7. Chính thức triển khai ứng dụng chữ ký số công cộng Với lễ ký kết diễn ra vào sáng 28/8/2009, tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Bộ Tài chính sẽ đầu tư và hợp tác lâu dài trong các hoạt động thiết lập, cung cấp, sử dụng hạ tầng chứng thực chữ ký số công cộng và thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong các dịch vụ hành chính công điện tử của ngành Tài chính. Thỏa thuận hợp tác về việc áp dụng chữ ký số cho các dịch vụ hành chính công điện tử của Bộ Tài chính là một trong những bước nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính đối với nội dung áp dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử giữa các tổ chức, cá nhân và cơ quan tài chính.

6. Tranh cãi BKIS–VnCert Một trong những sự kiện gây sốt trong cộng đồng CNTT Việt Nam trong thời gian qua đó là vào 16/7 Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, có công văn khẩn gửi tới trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trung tâm An ninh mạng BKIS về việc ngày 15/7 vừa qua VNCERT nhận được khiếu nại của ông J.Cho thuộc Trung tâm Điều phối ứng cứu khẩn cấp máy tính Hàn Quốc (KrCERT/CC) liên quan đến vụ việc (BKIS) đã tiến hành công bố rộng rãi trong và ngoài nước về việc BKIS phát hiện nguồn gốc vụ tấn công website Mỹ, Hàn trên blog của BKIS.Tuy nhiên, đến đêm 17/7, trên diễn đàn ddth.com rò rỉ nôi dung công văn ký ngày 15/7 của Trung tâm phản ứng sự cố máy tính khẩn cấp Việt Nam - VNCERT "đề nghị nhắc nhở Trung tâm BKIS" với lý do: “công bố thông tin rộng rãi và không chính xác” và có thể “gây nguy hiểm cho các hệ thống thông tin trong nước.”Trước thông tin này, Bộ Thông tin - Truyền thông khẳng định việc BKIS tham gia vào các hoạt động tìm kiếm tội phạm là cần thiết nhưng cần lưu ý với những vấn đề nhạy cảm. Trong vụ việc này, Bộ cho rằng BKIS cần rút kinh nghiệm trong việc tham gia xử lí vấn đề cũng như thông tin, đồng thời yêu cầu BKIS nhanh chóng làm việc với phía nước ngoài để làm rõ những khúc mắc.Đối với VNCERT, bộ yêu cầu đơn vị này thực hiện đúng chức năng được giao là đầu mối phối hợp quốc tế xử lí sự cố máy tính, hợp tác với đối tác nước ngoài; yêu cầu VNCERT rút kinh nghiệm và cần cẩn thận hơn trong các văn bản điều phối hoạt động.

5. Tranh chấp xung quanh những cột điện treo cáp Sau hơn một năm vụ việc tranh chấp về giá thuê cột điện để treo cáp thông tin giữa 2 VNPT và EVN vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để. Sang đầu năm 2009, VNPT, Viettel, SPT đã đồng loạt tố Điện lực Việt Nam (EVN) lợi dụng thế độc quyền bất ngờ nâng giá cho thuê cột điện treo cáp. Sự việc vẫn chưa lắng dịu khi đến tháng 9 vừa qua, EVN đã gây sức ép dù đàm phán chưa xong. Để giải quyết vấn đề này, mới đây nhất, Bộ Công Thương đã phải can thiệp vào cuộc tranh chấp này bằng cách yêu cầu EVN dừng ngay việc tháo dỡ cáp thông tin. Nếu việc đàm phán vẫn chưa đạt kết quả trước ngày 5/1/2010, Bộ Công Thương yêu cầu 2 đơn vị phải báo cáo chi tiết vấn đề để Bộ giải quyết.

4. Lần đầu tiên Chính phủ họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành Phiên họp thường kỳ Chính Phủ tháng 3/2009 khai mạc ngày 30/3/2009 lần đầu tiên nối mạng truyền hình trực tuyến với UBND 63 Tỉnh/ thành phố trực thuộc TW. Phiên họp này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện quyết tâm của Chính Phủ, Thủ Tướng Chính Phủ trong việc ứng dụng CNTT-VT để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành. Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị triển khai lắp đặt, thiết bị phục vụ phiên họp trực tuyến đầu tiên này của Chính Phủ.

3. Mỗi cá nhân chỉ được đăng ký tối đa 3 sim di động/mạng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mỗi cá nhân chỉ được đăng ký tối đa 3 sim điện thoại tại mỗi mạng di động. Việc đưa ra hạn mức này được coi là biện pháp hạn chế thuê bao ảo, gây lãng phí tài nguyên số. Như vậy, với 7 nhà khai thác di động hiện hành thì mỗi cá nhân có thể sử dụng chứng minh thư, hộ chiếu của mình để đăng ký sở hữu tối đa 21 số sim điện thoại trả trước. Nếu tới đây, doanh nghiệp thứ 8, Indochina Telecom, được cấp phép khai thác di động thì số lượng thuê bao mà mỗi cá nhân được sở hữu sẽ tăng.Theo thông tư hướng dẫn về quản lý thuê bao di động trả trước do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành đối với cá nhân đại diện cho tổ chức, doanh nghiệp được đăng ký nhiều hơn 3 sim điện thoại tại mỗi mạng di động. Nếu cá nhân nào sử dụng chứng minh thư hoặc hộ chiếu của người khác để khai báo thông tin sẽ bị cắt dịch vụ hoặc phạt tiền theo quy định.

2. Blog Yahoo!360 đóng cửa kéo theo sự nở rộ của các mạng xã hội khác tại Việt NamNgày 14/7, Yahoo! chính thức đóng cửa dịch vụ blog Yahoo!360, cộng đồng mạng tại thời điểm đó đã sôi sục để tìm kiếm ngôi nhà mới làm bến đỗ. Đây chính là cơ hội cho rất nhiều mạng xã hội trong nước nở rộ. Tuy nhiên, số thành công là không nhiều. Tính cho đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam có khá nhiều mạng xã hội thuần Việt ăn theo nhưng nổi bật nhất có thể nói là Zing Me và Facebook của Mỹ đã xâm nhập Việt Nam rất nhanh.

1. 3G chính thức hiện diện tại Việt Nam Ngày 12/10, mạng 3G đầu tiên tại Việt Nam đã ra mắt với sự ra mắt của Vinaphone. Sự ra mắt này đã đánh dấu một bước ngoặt mới trên thị trường viễn thông bởi từ khi mạng 3G “rập rình” đến Việt Nam đã là 6 năm. Sau Vinaphone, ngày 15/12, MobiFone cũng đã chính thức cung cấp các dịch vụ 3G và sắp tới sẽ có các dự án khác được mở rộng đem lại cơ hội rất lớn cho người sử dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét